Dân tộc Việt Nam có truyền thống uống nước nhờ nguồn, luôn luôn nhớ ơn ông cha ta đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta lớn lên. Vậy nên khi thế hệ trước nằm xuống sẽ có truyền thống là làm đám giỗ hằng nằm. Đây là hành động để thể hiện sự tưởng nhớ của con cháu đến những người đã mất. Đây cũng là một dịp để anh em họ hàng ngồi quây quần lại bên nhau sau những lo toan tất bật trong cuộc sống. Dù ở bất kỳ vùng miền nào trên tổ quốc Việt Nam con cháu vẫn làm đám giỗ cho những người đã khuất, tuy nhiên là ở miền Tây lại có những phong tục khác trong việc làm đám giỗ.
Đám giỗ miền Tây là truyền thống lâu đời
Phong tục đám giỗ miền tây có từ lâu đời ở người Việt Nam nói chung. Người Miền Tây nói riêng (không tính những người theo tôn giáo khác), được truyền từ đời này sang đời khác. Có nhiều lần cúng ví dụ như: Cúng tuần, cúng 49 ngày, 81 ngày, 100 ngày, cúng năm,…
Dân gian có câu:
Anh chết ba năm sống lại một giờ
Để xem người ngọc phụng thờ ra sao?
Khi đến ngày, tháng ông bà qua đời, con cháu sẽ tiến hành là đám giỗ còn có cách gọi khác là đám cúng cơm. Đây cũng là dịp để con cháu sum họp lại để tưởng nhớ người thân đã mất.
Dọn dẹp bàn thờ là công đoạn đầu tiên trước khi làm giỗ
Chủ nhà là người đảm nhiệm việc này. Công việc cũng không quá phức tạp. Trước tiên gia chủ sẽ dùng một cây chổi bông để quét hết bụi bẩn trên bàn thờ, lau di ảnh, hai chân đèn. Mấy tụi con nít sẽ được giao cho nhiệm vụ quan trọng là lau thật sạch chân bàn thờ (Tân trang chỗ ở cho ông bà). Chiếc lư sẽ được chăm chút đặc biệt hơn do đó là nơi ký gửi những ước nguyện của người sống thắp lên cho người đã khuất.
Trước khi đám giỗ, gia chủ phải bỏ hết chân nhang cũ nhưng chừa lại ba cây. Đổ sạch lớp cát hoặc gạo trong chiếc lư. Sau đó sẽ mang đi rửa lại thật sạch, phơi dưới nắng cho khô. Cho cát hoặc gạo mới vào để bắt đầu một năm mới cho người đã khuất. Hai bên góc sẽ được đặt hai chân đèn, ở giữa sẽ có ba chung nhỏ để châm rượu, trà. Không thể không có bình hoa, dĩa trái cây. Ngoài ra còn có cây đèn cóc hoặc đèn cầy để thắp sáng bàn thờ.
Những món ăn được chuẩn bị trước cho ngày đám giỗ ở miền tây
Gần tới đám, chủ nhà phải chuẩn bị trước nửa tháng, từ việc dọn dẹp nhà cửa, lựa nếp, rọc lá chuối, làm lạt để gói bánh, chuẩn bị những cây củi thật to để đun nấu,…Trước ngày giỗ chính tầm 1 đến 2 ngày thì bà con, dòng họ, hàng xóm đến giúp. Đàn bà, con gái thì gói những chiếc bánh tét để dâng lên ông bà.
Đây cũng là dịp mà các bà các cô trổ tài khéo tay và dạy cho cháu gái biết nấu nướng sau này. Đàn ông thì có nhiệm vụ riêng là làm heo, thịt thì để cho các cô nấu đồ cúng, còn đồ lòng hoặc xương thì được các chú tận dụng nướng hoặc nấu món nhậu để lai rai.
Đến chiều, chủ nhà nấu cơm cúng bình thường, khi tàn nhang, mọi người sẽ ngồi lại ăn uống, đàn ca lai rai vài xị đế,….Mâm cúng thường sẽ không thiếu cơm (vì vậy người dân gọi là cúng cơm), món lẩu là món nhất định phải có, thịt heo kho nước dừa, thịt heo kho với hột vịt, đậu đũa (đậu que) xào tôm thịt, khóm xào, khổ qua dồn thịt, vịt gà nấu cà ri,… Đám lớn thì có gà vịt không thì có thịt heo, tôm cá cũng được. Riêng thịt chó chỉ làm để anh em dòng họ nhậu chơi chứ không cúng lên bàn thờ tổ tiên.
Các hoạt động trong ngày giỗ chính
Tờ mờ sáng , con cháu, hàng xóm tay cầm con vịt con gà, người thì hộp trà bọc bánh, có khi là tôm càng, cá lóc,…hoặc bia rượu mang đến để phụ chủ nhà lo lễ cúng. Đồ cúng thường là kiếm bắt, tự trồng, chứ ít khi mua, có như vậy mới thành tâm. Mọi người đến càng lúc càng đông, người thì làm vịt, gà, người nấu nước châm trà cho các bác, các cụ, người lo bánh mứt đãi khách,..
Các cụ cao tuổi thì ngồi với nhau đàm đạo về chuyện đời, chuyện con cái,.. những anh em dòng họ lâu ngày gặp lại thì cười nói rộn ràng, hỏi thăm về cuộc sống, công việc, vợ chồng,…Vừa là dịp để con cháu tụ họp nhận mặt họ hàng, nhớ mặt bà con dòng họ,.. Có lẽ chỉ có những ngày giỗ như thế này mới có thể tề tựu đông như vậy.
Đến tầm 9 – 11 giờ khi nấu nướng chiên xào xong thì bắt đầu bài lên cúng. Ngoài mâm cúng chính được bài tươm tất trên bàn thờ. Thì sẽ có những mâm khác: mâm cúng tổ tiên, mâm cúng đất đai, mâm cúng trời phận, mâm cúng ngoài sân cho cô hồn âm binh. Những mâm cúng này không có lư hương, nhang được cắm vào ly, khúc chuối hoặc bụp dừa nước,… nhưng lúc nào cũng phải có trong đám giỗ.
Thực hiện lễ cúng để mời ông bà về
Khi mâm cúng đã bài biện xong thì chủ nhà hoặc con trai lớn thắp nhang trước để mời người đã khuất về ăn uống. Sau đó lần lượt con cháu đến thắp nhang. Rồi quỳ lạy 4 lạy trước bàn thờ để tỏ lòng thương nhớ người đã khuất. Nhang cháy đến nửa cây thì rút rượu trắng cúng và ít trà rồi lui nhang.
Mâm cúng bài ra anh em con cháu quây quần ăn uống. Họ cụng với nhau vài chung rượu, kể lại công đức của người mất hoặc có khi đàm đạo chuyện cuộc sống, công việc,…Cũng tại đây, dòng họ giới thiệu, để ý cách kén rể, chọn dâu. Không ít cuộc hôn nhân hình thành sau những cuộc đám giỗ. Kết thúc là miếng bánh ngọt với chung trà, trái cây. Người về được chủ nhà gửi cho các cháu ở nhà thịt kho, bánh tét,..Ngày giỗ là ngày vừa cúng để tưởng nhớ người đã khuất vừa để trả ơn anh em, hàng xóm đã giúp đỡ mình trong cuộc sống
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về đám giỗ miền tây nhé. Đây là một phong tục rất có ý nghĩa ở bất kỳ vùng miền nào. Việc làm đám giỗ không những giúp gia đình có cơ hội quây quần bên nhau. Mà bên cạnh đó còn giúp cho con cháu nhớ tới ông bà hay những người đã khuất. Tưởng nhớ đến công ơn các thế hệ đi trước đã làm được.