Phong tục bắt chồng vô cùng thú vị của những cô gái Tây Nguyên

Người Chu Ru tổ chức lễ hội bắt chồng

Bắt chồng là một trong những phong tục vô cùng nổi tiếng và thú vị của một số dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên. Những cô gái ở vùng núi cao Tây Nguyên sau khi đủ tuổi cập kê thì sẽ được lựa chọn chàng trai mình yêu thích để tiến hành “Đêm hội bắt chồng”. Đây là một trong  những phong tục mang đậm nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống cưới hỏi của rất nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Chính phong tục độc đáo này đã mang đến nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng của nhiều người khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên. Hãy cùng tìm hiểu và khám phá hết những nét đặc trưng và ấn tượng của phong tục bắt chồng của các cô gái Tây Nguyên qua bài viết sau đây!

“Đêm hội bắt chồng” của những cô gái Tây Nguyên

Với đồng bào dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ-ho,… Tây Nguyên, khi mùa xuân về, khi hoa cà phê nở trắng, hoa pơlang đỏ thắm rực rỡ, những con ong bay đi lấy mật thì cũng là lúc khắp các bản làng sẽ rạo rực vào mùa cưới. Đây là mùa bắt chồng của những thiếu nữ đến tuổi cập kê. Phong tục này có từ xa xưa và đến nay vẫn được gìn giữ. Đây là một trong những phong tục cưới hỏi vô cùng đặc sắc.

Cô gái Bh'noong đang tham gia lễ hội bắt chồng
Cô gái Bh’noong đang tham gia lễ hội bắt chồng

Theo phong tục, lễ bắt chồng thường thực hiện vào ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình và dòng họ. Trong ba tháng mùa xuân, gia đình nhà gái sẽ đến nhà trai để tiến hành dạm hỏi. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, buôn làng sẽ tổ chức “Đêm hội bắt chồng”.

Cách tổ chức phong tục bắt chồng

“Đêm hội bắt chồng” này được tổ chức hết sức thú vị. Cô gái sẽ đến gặp và đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Đêm đó còn được gọi là đêm thiêng. Cặp nhẫn hay còn gọi là cặp Srí. Đây được xem là tín vật thiêng liêng nhất của lễ hội. Để làm nên cặp nhẫn cưới này, người ta phải bỏ ra rất nhiều công sức.

Vật liệu chính là bạc, sáp ong, phân trâu và một ít đất sét lấy trong rừng già. Người Tây Nguyên quan niệm con trâu là một vật linh thiêng. Con vật này mang biểu tượng của sự đầm ấm, sung túc cho gia đình. Do đó họ quyết định dùng phân trâu để làm nhẫn. Còn sáp ong thể hiện sự chăm chỉ và làm việc cần mẫn.

Cặp nhẫn đính hôn là vật thiêng liêng nhất trong phong tục bắt chồng
Cặp nhẫn đính hôn là vật thiêng liêng nhất trong phong tục bắt chồng

Trường hợp người con trai không thích thì có thể tháo nhẫn trả lại cô gái. Đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai. Cô gái này sẽ làm thế cho đến khi chàng trai chấp nhận thì đám cưới diễn ra.

Lễ cưới trong phong tục bắt chồng

Vào ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn. Sau đó họ sẽ tiến hành đeo lại cho nhau. Xung quanh là người thân và dân làng tổ chức đánh chiêng. Họ cùng nhau uống rượu và múa hát vui vẻ để chúc mừng lễ cưới. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ. Ngược lại, nhẫn của chàng trai sẽ do mẹ của cô gái cất giữ.

Chàng trai sẽ ở rể trong năm đầu tiên sau khi cưới. Sau đó họ có thể đưa ra lựa chọn ở riêng hay ở chung với bố mẹ. Nhưng dù là ở chung hay riêng thì đôi vợ chồng vẫn luôn yêu thương nhau. Họ vẫn luôn có trách nhiệm giữ tròn đạo hiếu với hai bên gia đình.

Lễ hội bắt chồng của người Chu Ru, Cơ Ho,… hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên. Phong tục cưới hỏi này đã tạo thêm dấu ấn văn hóa độc đáo. Chính nó đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho mảnh đất mang nhiều huyền thoại. Phong tục này cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp về văn hóa Tây Nguyên trong ký ức của du khách khi đến du xuân ở vùng đất cao nguyên dịp đầu năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *