Khi nhắc đến Thái Bình, đa số mọi người đều sẽ nghĩ ngay đến lễ hội chùa Keo có truyền thống lâu đời và vô cùng nổi tiếng. Lễ hội này được khai mạc vào mùa xuân và màu thu mỗi năm, tuy nhiên lễ hội mùa thu sẽ là ngày hội chính và thu hút được rất nhiều khách đến tham gia. Những nghi lễ truyền thống cũng như các hoạt động giao lưu vui nhộn và đặc sắc có trong lễ hội này chắc chắn sẽ làm cho nhiều du khách thích thú. Du khách đến đây không chỉ đến để cầu bình an, may mắn hay hòa mình vào lễ hội vui tươi, mà họ còn muốn viếng thăm chùa Keo với lối kiến trúc cổ vô cùng độc đáo được giữ gìn cho đến ngày nay.
Giới thiệu về lễ hội chùa Keo Thái Bình
Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Mỗi năm chùa tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày 4 tháng 1 âm lịch. Hội thu được mở vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch và là hội chính.
Hội thu nhằm tưởng nhớ, suy tôn Ðức Thiền sư Không Lộ. Đây là người sáng lập chùa và rất giỏi Phật pháp. Ngài đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý và được phong làm quốc sư. Các lễ thức trong 3 ngày hội thu trong tháng 9 của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử. Lễ hội này có nguồn gốc gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Không Lộ.
Lễ hội nổi tiếng này mang màu sắc tôn giáo đặc sắc. Lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân. Không chỉ vậy, đây còn là môi trường bảo tồn, lưu truyền văn hóa truyền thống lâu đời. Lễ hội chùa Keo còn là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng. Lễ hội nổi tiếng này cũng là nơi cư dân nơi đây nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các nghi lễ và hoạt động trong những ngày lễ hội
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều nghi lễ. Những nghi lễ này được tổ chức nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng, xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn có cuộc sống an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc.
Cuối lễ hội chùa Keo còn có nghi lễ chầu thánh. Đây là một nghi lễ vô cùng đặc biệt và chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ không thể thiếu. Điệu múa này được diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ độc đáo.
Bên cạnh các nghi lễ là phần hội sôi nổi, chẳng hạn như thi bơi chải, rước thuyền, các trò thi bắt vịt, thi hát giao duyên, kéo co,… Tất cả đã tạo nên không khí nhộn nhịp thu hút đông đảo người xem. Du khách hành hương về chùa Keo ngoài việc lễ Phật, lễ Thánh còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo. Những công trình này có lịch sử gần 400 năm. Hiện nay rất ít các công trình văn hóa cổ nào còn giữ lại được. Do đó đến thăm chùa Keo và trải nghiệm lễ hội nơi đây là điều vô cùng đúng đắn.